Hành chính Cameroon

Cameroon được phân thành 10 vùng.

Hiến pháp phân chia Cameroon thành 10 vùng bán tự trị, mỗi vùng nắm dưới quyền quản lý của một hội đồng khu vực được bầu lên. Một sắc lệnh tổng thống vào ngày 12 tháng 11 năm 2008 chính thức bắt đầu việc chuyển từ tỉnh (province) sang vùng.[52] Đứng đầu mỗi vùng là một thống đóc do tổng thổng bổ nhiệm. Các lãnh đạo này có bổn phận thi hành ý định của tổng thống, báo cáo tình hình và điều kiện chung của vùng, quản lý công vụ, duy trì hòa bình, và giám sát người đứng đầu của các đơn vị hành chính nhỏ hơn. Thống đốc có quyền hạn rộng lớn: họ có thể ra lệnh tuyên truyền trong địa bàn của họ và triệu tập quân đội, hiến binh, và cảnh sát.[40] Toàn bộ quan chức chính phủ địa phương là nhân viên của Bộ Quản lý lãnh thổ của chính phủ trung ương, chính phủ địa phương cũng nhận được hầu hết ngân sách của họ từ bộ này.[9]

Các vùng được chia thành 58 tỉnh (French département). Đứng đầu mỗi tỉnh là tỉnh trưởng (préfets) do tổng thống bổ nhiệm. Các tỉnh được chia tiếp thành các phân vùng (arrondissements), đứng đầu là phó tỉnh trưởng (sous-prefets). Các huyện trưởng (chefs de district) là người đứng đầu các huyện, đây là đơn vị hành chính nhỏ nhất.[53]

Ba vùng ở viễn bắc là Viễn Bắc (Extrême Nord), Bắc (Nord), và Adamawa (Adamaoua). Thẳng phía nam của chúng là Trung (Centre) và Đông (Est). Nam (Sud) nằm ven vịnh Guinea và biên giới phía nam. Khu vực tây bộ của Cameroon được phân chia giữa bốn vùng nhỏ hơn: LittoralTây Nam (Sud-Ouest) nằm ven biển, và các vùng Tây Bắc (Nord-Ouest) cùng Tây (Ouest) nằm trên thảo nguyên tây bộ.[53]